Tối ưu hóa việc cắt giảm chi phí doanh nghiệp

Cắt giảm chi phí để tối ưu hóa lợi nhuận là nhu cầu của mọi doanh nghiệp. Tuy nhiên, cắt giảm chi phí thường phải gánh chịu nhiều hậu quả khác, đôi khi còn lớn hơn nhiều so với chi phí vừa được cắt giảm. Vì vậy, cắt giảm chi phí thế nào cho hiệu quả là điều doanh nghiệp cần phải cân nhắc.


Không phải chi phí nào cũng xấu và cần cắt giảm. Vì vậy, trước khi thực hiện cắt giảm chi phí, doanh nghiệp cần phải xác định “Cái gì mang lại giá trị cho khách hàng?”, và xây dựng một chiến lược để bảo đảm những giá trị ấy luôn luôn được bảo tồn.


Doanh nghiệp cần lập một chiến lược và lộ trình cụ thể cho dự án cắt giảm chi phí và truyền thông thông suốt đến mọi thành viên trong doanh nghiệp, nhất là cấp quản lý, để đảm bảo sự tập trung và hạn chế những lo lắng, bất mãn trong tổ chức.


Việc cắt giảm chi phí không thể diễn ra đồng loạt, mọi lúc mọi nơi mà cần phải xác định rõ: nơi nào cần cắt giảm, nơi nào có thể cắt giảm được và đâu là chỗ phải đầu tư. Có như vậy việc cắt giảm chi phí mới mang lại hiệu quả và không làm mất đi giá trị vốn có, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu không, sau khi cắt giảm chi phí, doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh thì càng nguy hại hơn.


Chẳng hạn, khi doanh nghiệp quyết định giảm số lượng nhân sự thì phải xác định vị trí nào cần cắt giảm và những ai cần phải giữ đồng thời có chính sách hợp lý để giữ và củng cố tinh thần cho đối tượng này để họ không lo lắng về tương lai của mình.


Mặt khác, khi giảm số lượng nhân viên thì doanh nghiệp đồng thời cũng phải đầu tư thêm trang thiết bị hỗ trợ và đào tạo phát triển đội ngũ thì mới đảm bảo được năng suất và chất lượng sản phẩm, dịch vụ.


Khách hàng là người duy trì hoạt động của công ty, nên không doanh nghiệp nào muốn cắt giảm khách hàng. Tuy nhiên, thực tế, không phải khách hàng nào cũng mang lại giá trị và lợi nhuận cho doanh nghiệp.


Có những nhóm khách hàng mà doanh nghiệp phải bỏ ra chi phí khá lớn để giữ họ, trong khi khoản lợi nhuận mà họ mang lại cho doanh nghiệp không đáng kể. Đây là phần chi phí phải mạnh dạn cắt bỏ.


Theo đó, một việc quan trọng cần phải tiến hành trong quá trình hiện thực hóa chiến lược cắt giảm chi phí là phân loại khách hàng. Cần xác định đâu là phân khúc khách hàng cần tập trung chăm sóc để duy trì và phát triển, và đâu là nhóm khách hàng không cần thiết phải tiếp tục đầu tư.
Kể cả trong bối cảnh doanh thu không tăng trưởng, nhưng nếu có thể cắt giảm chi phí hợp lý, lợi nhuận của doanh nghiệp hoàn toàn có thể tăng và không ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp


Nguồn: doanhnhansaigon.vn

Sưu tầm NGUYỄN THỊ NGUYỆT- TT LỮ GIA

 

zalo

Đặt hàng online

zalo